ndetail Phát sốt vì biển hiệu quảng cáo - Quảng cáo Khánh Nam

Phát sốt vì biển hiệu quảng cáo

06/05/2012 | 00:00

Ông bà ta xưa có câu, nhìn mặt mà bắt hình dong.  Nắm bắt được tâm lý ấy của khách hàng người Việt, các thương nhân thiết kế biển hiệu quảng cáo thật hoành tráng đặt ngay mặt tiền để thu hút thiên hạ từ “cái mặt đẹp” này. Vậy nhưng vô số các biển hiệu tại Hà Nội lại đang mắc lỗi về cách trang trí và ngôn ngữ một cách trầm trọng làm mất đi vẻ đẹp của đất ngàn năm văn hiến.

phát sốt vì biển hiệu quảng cáo

Sốc… quảng cáo

Dạo một vòng qua các con phố chính ở Hà Nội, ta sẽ không ít lần giật mình trước tình trạng “loạn” ngôn ngữ quảng cáo. Chẳng hạn như trên phố Tôn Đức Thắng có biển hiệu tên là Hoa chuối, nhưng mặt hàng kinh doanh lại là thời trang. Hay các biển hiệu có cái tên nghe ngồ ngộ làm cho người đi đường thấy khó hiểu như: Ngông (ở đường Kim Liên mới), Chảnh (ở Tôn Đức Thắng), Vịt xinh (ở đường Kim Liên mới), Béo (Tây Sơn) Ti tũn thời trang (ở Trần Huy Liệu)... Và không ít từ ngữ gây sốc, gây tò mò đã xuất hiện trên biển hiệu như: Tỉ mẩn và lọ mọ (Đội Cấn), Vịt nướng đi em... Lại còn có biển đề ngay trước phòng thu âm cho các thí sinh trong một cuộc thi hát ở Hà Nội có ghi là “phòng thu âm hộ”. Đọc biển hiệu ấy không ai là không giật thót tim.

Quảng cáo… ngọng

Không chỉ gây sốc về nội dung, nhiều biển hiệu còn sai chính tả, văn phạm. Những tấm biển ấy khiến người đi đường “buồn nhưng vẫn phải cười” bởi những chữ viết sai hết sức ngây ngô như: Sửa se, Sôi chả duốc, Đám cưới chọn gói… Ở một ngõ nhỏ trên đường Lương Thế Vinh xuất hiện một món cháo sặc mùi thuốc súng trên  biển hiệu của một cửa hàng bán cháo: “ở đây bán cháo nòng”. Hay như tại một bãi trông giữ xe có mấy cậu nhóc trạc tuổi 12, 13 đang loay hoay viết: “Ở đây chông giữ xe”. Trình độ học thức chưa qua lớp năm trường làng, các cậu bé ấy không biết phân biệt giữa “chông” và “trông”.

Quảng cáo lai… Tây

“Rửa xe Obama” hay “sửa chữa xe máy Binlađen” là những biển hiệu gây “ấn tượng khó phai”. Bao người đi đường cũng phải sững lại vì những biển hiệu ấy. Đó là tình trạng biển hiệu thiết kế theo kiểu nửa Tây nửa ta như Nấm’Show, Thời trang girl (Trần Đại Nghĩa)... Đọc các biển hiệu của người Việt mình viết tiếng Tây đến Tây cũng phải dở khóc dở cười. Một ví dụ điển hình là cửa hàng bán đồ ăn nhanh trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) lẽ ra phải viết là “Fast Food” thì lại nhầm thành "Fast Foot" ("Foot" nghĩa là bàn chân). "Fast Foot" chắc là đồ ăn vừa ăn  xong là phải... chạy nên cần dùng đến… chân? 

Ngoài nội dung, thì màu sắc, hình dáng, kích thước của các loại biển cũng là điều đáng bàn. Các biển hiệu được thiết kế công phu: biển to, nhỏ, hình bắt mắt, rồi bảng hộp, đèn nhấp nháy đủ loại, đủ màu sắc, bất chấp những quy định thực hành tiết kiệm điện, nhất là trong mùa hè nắng nóng. Địa điểm đặt biển hiệu cũng loạn có thể là vỉa hè, lòng đường, cột điện, cành cây, tường nhà, thậm chí là thùng rác công cộng... Sự thật là các quảng cáo "nhảm" đã làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt và tạo ra lỗ hổng trong nền văn hóa Hà Nội. Đánh giá về tình trạng này, bà Lương Ngọc Tuyết (Bà Triệu - HN) cho hay: “Xấu hổ hết chỗ nói. Các cửa hàng này đang nằm trên mảnh đất nghìn năm văn hiến, cái nôi văn hóa mà treo những tấm biển quảng cáo thiếu văn hóa quá. Mất cả mỹ quan Thủ đô... Xấu hổ thay...”.

Bao giờ hết lộn xộn?

Hiện nay biển quảng cáo ở Thủ đô vẫn lộn xộn dù đã có Quyết định 94 về hoạt động quảng cáo và rất nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên trên thực tế các công cụ ấy còn chưa phát huy hết hiệu quả. Chúng ta phải thừa nhận là trong lĩnh vực này còn lỗ hổng về pháp luật, có sự chồng chéo, thiếu thống nhất. Ví dụ như cuối năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 103 sửa đổi Quy chế hoạt động văn hóa kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, nhưng trong đó không quy định về biển hiệu (không cấp phép biển hiệu nên không có quy định cụ thể về kích thước, chiều cao, nội dung và mức xử phạt). Chính vì vậy, sau đó thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 94, trong đó quy định cụ thể để quản lý biển hiệu. 

Theo bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng quản lý văn hóa, Sở VHTT & DL Hà Nội, sự thiếu thống nhất này chính là lý do khiến người dân, doanh nghiệp không sợ luật. Theo Nghị định 103 thì biển hiệu không phải cấp phép, không quy định kích cỡ, không có chế tài xử phạt, vì vậy họ tự ý làm theo ý của họ. Những trường hợp vi phạm khó xử phạt và quản lý. Bên cạnh đó, công tác xử lý sai phạm và cưỡng chế cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, chính quyền cơ sở chưa thực sự kiên quyết. Tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng. 

Một điều nữa là các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo vì chạy theo lợi nhuận, chạy theo nhu cầu của khách hàng cũng không muốn tư vấn cho khách hàng biết quy định về kích thước, nội dung biển quảng cáo theo đúng Quy định. Nhưng thường cả 2 bên đều làm theo ý muốn chủ quan của mình, và doanh nghiệp quảng cáo nhiều khi biết luật nhưng vì chạy theo lợi nhuận vẫn làm theo ý muốn của khách hàng. 

Đã đến lúc cần quy định rõ một cơ quan làm đầu mối chỉ đạo phối hợp quản lý biển quảng cáo. Cùng với đó, Hà Nội sớm xây dựng quy chế phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các bên liên quan trong kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực này. 

Quảng cáo Khánh Nam: Hãy tránh những trường hợp trên và hãy chú ý đến chất lượng và hiệu quả. Chúng tôi sẽ giúp bạn chọn ra giải pháp hoàn hảo nhất cho thương hiệu của bạn.

Theo ANTĐ

Giới thiệu Công ty Quảng cáo Khánh Nam

Quảng cáo Khánh Nam tư vấn và cùng bạn xây dựng những thương hiệu có giá trị. Chúng tôi cũng giúp bạn kinh doanh thật hiệu quả bằng cách cung cấp cho bạn những sản phẩm truyền thông ấn tượng, sáng tạo và chất lượng cao.

Hỗ trợ trực tuyến

Quảng cáo Khánh Nam

Quảng cáo Khánh Nam

Hotline: 0915 344 200

Phòng Thiết Kế

Phòng Thiết Kế

Hotline: 043.747.5925

skypeSkype
khoa chong trom

Công ty TNHH Đâu tư Thương mại và Dịch vụ Khánh Nam
Địa chỉ: Số 3 - Cao Bá Quát , Ba Đình, Hà Nội — Điện Thoại: 043.747.5925 — Hotline: 0915 344 200
Email: qckhanhnam@gmail.com — Website: http://qckhanhnam.com

Google+FacebookTwitter