ndetail Hà Nội nói “không” với quảng cáo, biển hiệu sai quy chế - Quảng cáo Khánh Nam

Hà Nội nói “không” với quảng cáo, biển hiệu sai quy chế

10/01/2011 | 00:00

Ngày 7.9, Sở VH,TT&DL Hà Nội họp báo ban hành Quy chế Quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội. Ngày 8.9, họp với các quận, huyện liên quan về lộ trình triển khai Quy chế. Với mong muốn lập lại trật tự quảng cáo trên địa bàn nhưng trước những việc “đã rồi”, Hà Nội đã chủ động “nới” điều kiện để các doanh nghiệp có thời gian xoay xở.

Biển hiệu: Không phải xin phép nhưng phải tuân thủ về kích thước

Lộn xộn, mất mỹ quan - đó là hiện trạng chung trên mặt các tuyến phố ở Thủ đô. Nguyên nhân là do văn bản pháp luật hiện hành quy định việc treo biển hiệu quảng cáo không phải xin phép nhưng lại không quy định cụ thể về kích thước của biển hiệu. Đây chính là kẽ hở để các tổ chức, cá nhân mạnh ai nấy trương biển, bất chấp mỹ quan đô thị. Trên nhiều tuyến đường, các biển hiệu quá khổ (chiều ngang hơn 2m; chiều dọc hơn 6m) khá phổ biến. Để lập lại trật tự trong việc viết, đặt biển hiệu trên cơ sở đặc thù của Thủ đô, Quy chế mới quy định cụ thể kích thước của biển hiệu, lấy đó làm điểm tựa để “trảm” các biển hiệu “xé rào”. Đối với biển hiệu ngang, chiều cao biển hiệu tối đa là 2m, chiều dài biển hiệu không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà, diện tích biển hiệu không vượt quá 30m2. Đối với biển hiệu dọc, chiều cao tối đa là 4m và chiều ngang là 0,6m; không vi phạm chỉ giới xây dựng. Theo đó, những biển hiệu sai quy định về kích cỡ sẽ phải sửa, thay mới. Với các quảng cáo đang bị “lẫn” với biển hiệu theo dạng... nhập nhằng, cơ quan quản lý sẽ rà soát, phân tách, yêu cầu các chủ sở hữu loại biển quảng cáo phải xin phép và tuân thủ các quy định trong Quy chế. Theo dự kiến, những biển hiệu có nội dung kèm quảng cáo, có kích thước lớn hơn so với kích thước đã quy định trong Quy chế phải tháo dỡ ngay trong tháng 9.2009. Biển hiệu thực hiện đúng theo Quy định tại Nghị định số 11/2006/N Đ-CP ngày 18.1.2006 của Chính phủ nhưng có kích thước lớn thì phải “gọt” theo đúng quy định của Quy chế mới ban hành. Thời gian hoàn thành việc chỉnh sửa là trước ngày 15.12.2009. Sau thời gian trên, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với thanh tra Sở VH,TT&DL Hà Nội xử lý cưỡng chế tháo dỡ.

Quảng cáo tấm lớn khu vực vành đai III: Thống nhất diện tích mặt biển 120m2

Về quảng cáo tấm lớn, Quy chế bổ sung kiểu dáng một cột trụ tròn đối với bảng quảng cáo trên toàn bộ khu vực quy hoạch, chiều cao 17m tính từ mặt đường đến mép trên của bảng, diện tích mặt biển được quy định thống nhất là 120m2; kích thước: cao 8m x dài 15m. Các tuyến đường đã được tỉnh Hà Tây cũ quy hoạch có diện tích bảng quảng cáo là 200m2 (tuyến đường Pháp Vân –Cầu Giẽ) chỉ được thực hiện đến hết thời hạn ghi trên giấy phép. Từ ngày 1.1.2010 phải làm hồ sơ cấp mới theo quy định của Quy chế. Với các quảng cáo trên các tuyến đường theo quy hoạch của thành phố Hà Nội cũ đã có diện tích là 120m2 nhưng chưa thống nhất về kích thước 8m x15m sẽ được gia hạn hoạt động. Cụ thể, đối với biển trivision được gia hạn hoạt động đến hết tháng 12.2010; đối với các loại biển khác được thực hiện đến hết tháng 6.2010. Sau thời hạn trên, các biển quảng cáo tấm lớn trên các tuyến đường này phải điều chỉnh về kích thước theo quy định tại Quy chế. Riêng với các hồ sơ cấp phép mới bắt buộc tuân thủ các quy định mới của Quy chế.

Cấm và hạn chế quảng cáo tại một số khu vực, tuyến phố

Theo Quy chế mới ban hành, khu vực cấm quảng cáo bao gồm khu vực Quảng trường Ba Đình được giới hạn bằng các tuyến đường phố tiếp giáp nhau bao quanh quảng trường: Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Hùng Vương; trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, tổ chức chính trị- xã hội, doanh trại quân đội, trụ sở Công an, đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế; các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, khuôn viên nơi đặt tượng, bia tưởng niệm và cơ sở tôn giáo (bao gồm khu vực I và khu vực II bảo vệ di tích).

Các khu vực hạn chế quảng cáo, bao gồm khu vực Nhà hát Lớn thành phố; Quảng trường Cung Văn hóa hữu nghị; hồ Hoàn Kiếm, các tuyến phố bao quanh hồ; các tuyến phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Bông, Điện Biên Phủ, khu vực nút giao thông ngã 5 Cửa Nam; khu vực phố cổ (Hàng Đậu, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bồ, Phùng Hưng. Tại các khu vực này, quảng cáo được giới hạn thực hiện bằng hộp đèn, bản nan, bảng đèn neon uốn chữ, bảng trivission, màn điện tử chạy chữ và diện tích bảng quảng cáo tối đa là 20m2.

Và những băn khoăn của dư luận

Nếu nói về cái khó trong việc triển khai Quy chế này trong thực tế thì một trong những điều đầu tiên cơ quan quản lý ở Hà Nội phải đối diện chính là hệ thống biển hiệu đang được xem là lộn xộn gây mất mỹ quan thành phố hiện nay. Có ý kiến cho rằng, khu vực phố cổ hiện tại, tầm cao của nhà hầu hết là trên 3m. Nếu quy định chiều cao tối đa của biển hiệu là 2m, thì 1m còn lại để làm gì? Rồi bề ngang của nhà cũng không đồng đều, nhà rộng, nhà hẹp. Giả thiết một ngôi nhà có mặt tiền là 1,5m, người ta làm biển hiệu hết giới hạn cho phép 1,5m x 2m, về hình thức trông phản cảm nhưng không vi phạm Quy chế thì sẽ thế nào? Rồi biển hiệu này đứng cạnh một biển hiệu bề ngang 4m và chiều cao chỉ là 1m... thì xét cho cùng vẫn là một sự “lỗ mỗ”. Trong khi đó, chiếu sang các quy định đã có, thì cả 2 loại biển hiệu nói trên đều không vi phạm. Thế nên, chưa triển khai, đội ngũ thanh tra đã thấy “choáng”, vì nếu các hộ kinh doanh không tự giác tháo gỡ thì số biển hiệu phải cưỡng chế tháo dỡ, sửa chữa lên đến hàng triệu... Liệu có đủ người để làm việc này. Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải có lộ trình thuyết phục, có cơ chế đối với các chủ kinh doanh tự điều chỉnh, sửa chữa biển hiệu đảm bảo mỹ quan thành phố, trước khi bước vào “cưỡng chế” và xử phạt.

Ngoài ra, dư luận cũng băn khoăn về quy định giới hạn khu vực cấm quảng cáo. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước, Đại sứ quán nước ngoài, trụ sở Công an v.v... nằm trong khu vực đông dân cư. Nếu một đơn vị kinh doanh nằm sát cạnh trụ sở Công an, Đại sứ quán nước ngoài đặt biển quảng cáo có bị xem là vi phạm không? Nên chăng, chỉ cấm hoạt động quảng cáo ở khu vực Quảng trường Ba Đình và một số tuyến đường phố tiếp giáp, bao quanh khu vực này, còn các khu vực khác nên hạn chế quảng cáo, thay cho cấm như trong quy định (?).

Theo Báo Văn Hóa

Giới thiệu Công ty Quảng cáo Khánh Nam

Quảng cáo Khánh Nam tư vấn và cùng bạn xây dựng những thương hiệu có giá trị. Chúng tôi cũng giúp bạn kinh doanh thật hiệu quả bằng cách cung cấp cho bạn những sản phẩm truyền thông ấn tượng, sáng tạo và chất lượng cao.

Hỗ trợ trực tuyến

Quảng cáo Khánh Nam

Quảng cáo Khánh Nam

Hotline: 0915 344 200

Phòng Thiết Kế

Phòng Thiết Kế

Hotline: 043.747.5925

skypeSkype
khoa chong trom

Công ty TNHH Đâu tư Thương mại và Dịch vụ Khánh Nam
Địa chỉ: Số 3 - Cao Bá Quát , Ba Đình, Hà Nội — Điện Thoại: 043.747.5925 — Hotline: 0915 344 200
Email: qckhanhnam@gmail.com — Website: http://qckhanhnam.com

Google+FacebookTwitter